(Đại Lộ) - Trên chuyến xe từ Hà Nội lên Giang rồi vượt đèo dốc quanh co lên đỉnh Tả Phìn Hồ, Tiến sỹ Đỗ Văn Lộc –Phó Chủ nhiệm Thường trực chương trình quốc gia công nghệ cao hồi tưởng lại: khoảng tháng 4-2016, khi chúng tôi được lên đây để hỗ trợ thực hiện dự án “Phát triển nông thôn bền vững vùng Tả Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa”, Tả Phìn Hồ còn là vùng đất hoang vu, nguyên sơ, con đường duy nhất nối liền với các khu vực khác lầy lội bùn đất mỏm đá gập ghềnh, chưa có điện, đường, trường và… sóng điện thoại!

   Theo ông, cách nhanh nhất để lên được Tả Phìn Hồ là đi xe ôm từ xã Nậm Ty trên con đường mòn xuyên qua rừng vầu rộng chưa đầy 1m… Mới chỉ không đầy một năm thực hiện dự án mà vùng quê nghèo này đã thay đổi, người dân biết kết nối Wifi, internet, cập nhật thông tin văn hóa-xã hội, có việc làm ổn định, nhận thức được nâng cao. Và Tả Phìn Hồ đang ngày một thay da, đổi thịt…

“Địa linh” Tả Phìn Hồ

Tả Phìn Hồ là tên gọi khác của thôn Phìn Hồ 3 thuộc xã Tân Thành, một xã đặc biệt khó khăn nằm ở phía đông bắc của huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang. Đây là vùng đất nằm trên địa hình núi cao, dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân tộc H’Mông và Dao sinh sống, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sương mù bao phủ hầu như suốt cả năm.

Những ngày đầu lên Tả Phìn Hồ, những cán bộ quản lý và cả công nhân phải sống và sinh hoạt trong lán gỗ ba gian siêu vẹo, mái lợp là những tấm phibro cũ mà hễ mưa xuống là trong nhà như ngoài sân. Giường ngủ là những tấm ván gỗ kê tạm lên xà chân của căn nhà, chiếu là những mảnh bạt. Căn nhà 34m2 có tới 15 – 20 người vào, ra, ăn chung, đụng ngủ. Tối đến cứ 5 - 6 người ngủ chung một giường, nằm úp thìa vào nhau. Khu nam, khu nữ chỉ cách nhau một chỉ giới thực mong manh. Cực nhất là những ngày mưa, “vùng rốn mưa” này của Hà Giang có những cơn mưa rào thực dữ dội. Hạt mưa nặng trĩu, to như hạt ngô hễ rợi xuống mái nhà là tung tóe tứ phía qua khe các tấm lợp để chẳng mấy chốc đã làm cho nền nhà  lênh láng nước. Nhiều đêm mưa rét quá, không sao ngủ được, chúng tôi phải dậy nhóm lửa sưởi để xua bớt đi cái lạnh giá đang ngấm sâu trong da thịt. Những ngày đầu gian khổ ấy có thể tóm tắt bằng công thức: “Ỉa rừng, tắm suối, uống nước lã, ăn cơm sống, ngủ tráo đầu đuôi, làm việc trong mưa dầm, gió bấc”. Điều kiện sinh hoạt, làm việc vô cùng khó khăn, gian khổ nơi đất lạ hoang vu, thêm nỗi nhớ nhà da diết, muốn gọi điện về cho gia đình hay trao đổi thông tin công việc phải đi bộ hàng cây số mới dò được vị trí có sóng điện thoại rớt với những cột tín hiệu chập chờn lúc được lúc mất. Sống trên mảnh đất cô lập này chúng tôi dường như cũng trở nên cô lập. Tuy nhiên tuổi trẻ vốn vô tư, gian khổ những không thiếu những chuỗi cười lạc quan khiến mọi người tạm quên nỗi mệt nhọc, nhớ nhung và hàng ngay vẫn hăng say công việc.

 Con đường dài 3,1km đi từ xã Nậm Ty thông với 4km đường bê tông đã có từ trước phía xã Tân Thành sang, băng qua vùng dự án Tả Phìn Hồ là thành quả của bao nhiêu quyết tâm của tòan bộ lãnh đạo công ty và những người cộng sự. Ngay từ những ngày đầu, 3/11/2016. đơn vị đã huy động toàn bộ cán bộ nhân viên Chi nhánh, cùng với những hộ dân sinh sống trong khu vực gấp rút thi công không kể mưa, nắng, giá rét hay sương mù dày đặc. Sau 68 ngày làm việc cật lực, với tinh thần đoàn kết chúng tôi đã “thông xe kỹ thuật” con đường bê tông rộng 3,5m, dày 25cm, đủ rãnh, đắp lề, 5 cầu, 19 cống đủ để 2 xe tránh nhau khi vào, ra vùng dự án vào đúng trước tết nguyên đán 15 ngày. Con đường đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, sản xuất, sinh hoạt… của bà con, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các cộng đồng dân cư trong vùng..

Hồi tưởng lại những ngày tháng gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua ấy, những người như TS Lộc, hay bất cứ ai đều cảm thấy rạo rực, tự hào. Ông nói rằng đã nhớ có lần Bác sỹ Hoàng Sầm nói rằng: “Cây Nghiến sống được trên vách đá nên nó cứng, tầm gửi Nghiến sống được trên gỗ cứng là thuốc quý, con người muốn sống được ở vùng đất này cũng vậy”.

Sau hơn một năm Công ty triển khai dự án, vùng Tả Phìn Hồ có những đổi thay rất lớn. Ngoài con đường bê tông 11 km nối liền vùng dự án với xã Nậm Ty, còn có trạm hạ thế 3 pha 320 kW công ty tự đầu tư  phục vụ sinh hoạt và lao động sản xuất, có trạm phát sóng của Vietel và đường truyền internet bằng cáp quang. Hạ tầng cơ sở này đảm bảo cho vùng Tả Phìn Hồ kết nối đầy đủ và kịp thời với mọi nơi trong nước và thế giới, xóa tan mặc cảm cô đơn ngày nào trong mỗi người. Khu trung tâm dự án đã xây dựng: một nhà máy với dây truyền sản xuất bột trà xanh hiện đại nhất khu vực đạt tiêu chuẩn ISO 22.000 để đưa vào khai thác nguyên liệu  búp và lá chè Shan Tuyết đạt tiêu chuẩn hữu cơ EU; Phòng khám Tả Phìn Hồ của Viện Y học bản địa Việt Nam được trang bị máy móc hiện đại như máy siêu âm màu Dopler 4 chiều, máy điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa máu, máy nội soi, siêu âm xuyên sọ và nhiều thiết bị khám chữa bệnh khác. Các công trình xây dựng khác như nhà nhân viên gồm 10 phòng với diện tích trung bình 24m2/phòng có tiểu treo, xí bệt, vòi sen nước nóng và các công trình phụ trợ đi kèm.

Đã mấy chục năm qua, nền y học cách mạng Việt Nam đã đi theo hướng “Đông-Tây y kết hợp”. Đây là sự chỉ đạo có tính xuyên suốt, thể hiện sự tài tình và tầm cao văn hóa của Bác Hồ-người khởi xướng quan điểm này. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin mà cả 2 nền y học Đông phương và Tây phương đã có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao thoa, học hỏi để tiếp thu những tinh hoa của nhau và khắc chế bớt những điểm yếu tự thân trong chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người.

Bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam

Nhân kiệt

“Địa linh” ắt sinh “nhân kiệt”, nói đến Tả Phìn Hồ hôm nay, không ái không nhắc tới một nhân vật được xem như người đã “khai sơn, phát thạch” cho mảnh đất heo hút này.

Khoảng một thập kỷ trước, xứ Thái xôn xao chuyện một giảng viên giỏi của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đồng thời là một bác sĩ có kinh nghiệm khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên bỗng dưng nộp đơn xin ra khỏi biên chế Nhà nước để lập Viện nghiên cứu tư nhân và thành lập công ty để nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu. Nhiều người cho rằng, đó là thầy giáo, thầy thuốc “gàn”. Có người “độc mồm độc miệng” lại còn bảo đó là “bác sĩ hâm” bởi lẽ với “vỏ bọc” biên chế Nhà nước, ở trường đại học và bệnh viện lớn như thế, có thể “chân trong, chân ngoài”, kiếm được nhiều tiền một cách nhàn hạ, sau vài năm sẽ ung dung hưởng lương hưu. Người thầy thuốc, thầy giáo “gàn” đó là bác sĩ Hoàng Sầm.

Bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam

Bác sĩ Hoàng Sầm là người dân tộc Dao, sinh ra trong gia đình có tới 13 đời làm nghề thuốc Nam ở xã Bản Péo, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Vùng đất nghèo khó này là kho dược liệu rất quý. Từ mấy thế kỷ trước, các cụ trong dòng họ của ông đã sử dụng thuốc Nam chữa bệnh cho bà con trong vùng. Nghiệp làm thuốc Nam của gia đình đã cho ông niềm đam mê nghiên cứu dược liệu ngay từ khi còn là sinh viên. Sau khi tốt nhiệp, trở thành bác sĩ, giảng viên, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, ông vẫn đau đáu với những cây thuốc quê nhà. Nhiều nghiên cứu, nhiều thử nghiệm và các đề tài của ông cũng đã được công bố, nhưng do cơ chế quản lý khoa học và công nghệ nên các đề tài cũng chỉ dừng lại ở các cuốn kỷ yếu lưu trữ trong thư viện. Với ước mong triển khai ngay các đề tài khoa học của mình và đồng nghiệp vào thực tiễn phục vụ nhân dân, năm 2008, bác sĩ Hoàng Sầm xin nghỉ việc ở Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Sau đó, ông vận động một số nhà khoa học khác cùng thành lập Viện Y học bản địa Việt Nam có trụ sở tại TP Thái Nguyên. Từ đồng vốn nhỏ nhoi với mô hình ban đầu là sau gần chục năm, Viện Y học bản địa Việt Nam đã trở thành một tổ chức nghiên cứu và kinh doanh sản phẩm khoa học công nghệ với gần 50 đề tài khoa học và đồng vốn ban đầu đã được nhân lên khoảng 150 lần. Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị lên tới 8 chục người. Hàng vạn bệnh nhân điều trị tại đây được khỏi bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân dùng thuốc Tây chữa không khỏi nhưng dùng thuốc Nam tại đây lại khỏi. Ví dụ như trường hợp nguyên Bộ trưởng một bộ bị hẹp mạch vành 82%, điều trị ở nhiều nơi mà bệnh không thuyên giảm, nhưng khi điều trị tại Viện Y học bản địa Việt Nam, sau một năm điều trị bằng dùng chế phẩm dong riềng đỏ đã hết hẹp hoàn toàn.

“Với 54 dân tộc ở đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, ông cha ta đã để lại cho hậu thế một nền y học bản địa vô cùng phong phú và quý báu. Nhưng đáng tiếc là trước việc du nhập của y học phương Tây, trong khoảng một thế kỷ qua, vốn quý này đã bị mai một. Là một bác sĩ người dân tộc thiểu số trong gia đình có tới 13 đời làm thuốc Nam, tôi thấy rằng, mình phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn nền y học đó”.

Bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam

Dốc lòng vì người nghèo, vì nền y học bản địa

Đến Viện Y học bản địa Việt Nam, chi nhánh Hà Giang nằm trên đỉnh Tả Phìn Hồ quanh năm lộng gió, đập vào mắt mọi người là khẩu hiệu, cũng là tôn chỉ mục đích của Doanh nghiệp và người chủ: “Trung thành với lợi ích của cộng  đồng”. Bác sĩ Hoàng Sầm nói rằng:  Mục tiêu của ông là hướng về người nghèo.

 Lên Tả Phìn Hồ lần này, chúng tôi được biết để thực hiện nội dung trồng và phát triển dược liệu của dự án, Công ty đã xây dựng một vườn ươm 1450 m2, nhân giống được gần 200 loài cây thuốc quý để đưa trồng trả lại rừng. Tới tháng 10/2016, Công ty đã trồng được một vùng thảo quả rộng lớn với diện tích khoảng 70ha. Đầu năm 2017, hưởng ứng phong trào tết trồng cây, công nhân viên công ty đã trồng được trên 3000 cây Sa mộc, 250 cây Sưa đỏ,  hơn 1000 cây Đào, Hoàng đàn và nhiều loài cây cảnh quan khác…

Tới đây, Công ty tiếp tục xây dựng 20 nhà nghỉ dưỡng, 8 kiot bán hàng, khu chợ, khu đánh bóng chuyền, cầu lông… Đặc biệt, Công ty đang thi công xây dựng nhà máy chế biến sâu dược liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP-HS để sản xuất 9 sản phẩm bảo vệ sức khỏe mang thương hiệu Hà Giang từ nguồn dược liệu tại chỗ và các nơi khác trong tỉnh nhà. Hy vọng trong tương lai không xa, vùng đất Tả Phìn Hồ sẽ ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho những người dân còn nghèo khó trong khu vực có công ăn việc làm, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo bền vững. Vùng đất sẽ ngày càng phát triển và sầm uất, biến khu vực này thành vùng trọng điểm về dược liệu, du lịch của Hà Giang và của cả nước, là vùng chè sạch, vùng sinh thái có khí hậu trong lành, thiên nhiên thanh tĩnh, thu hút sự quan tâm, tìm về với vùng đất mà hiện tại còn ít người biết đến này.

Nếu tính cả những công trình nghiên cứu trước khi Viện Y học bản địa Việt Nam ra đời thì cho đến thời điểm này, bác sĩ Hoàng Sầm đã có 47 công trình nghiên cứu khoa học về thuốc Nam được ứng dụng vào thực tiễn như: Thuốc Gout AZ chữa bệnh gút; thuốc Lohha trí não chữa lẫn lú người già; thuốc An cung Việt Nam chữa nhồi máu não, thuốc Cardocorz chữa hẹp mạch vành; thuốc TKS prosteta chữa tiền liệt tuyến; thuốc KN-01 chữa liệt dục, nạp khí ninh tâm hoàn chữa suy tim thể nhẹ, trung bình… Bác sĩ Hoàng Sầm là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu sản phẩm can thiệp sau gen làm trắng da, là người đầu tiên sản xuất chế phẩm điều trị hiệu quả bệnh động mạch vành từ thuốc Nam.

 

Bài ảnh Tâm Nhật/VTOTO

Nguồn: Dailo.vn