Đỉnh Bèng bọ
Theo tiếng của người dân tộc Dao đỏ nơi đây: Bèng nghĩa là núi, bọ nghĩa là đá!
Đỉnh Bèng Bọ là 1 trong những đỉnh núi cao trên khu vực Tả Phìn Hồ và và Nậm Ty, xuất phát từ KDL Tả Phìn Hồ, du khách đi theo lối mòn trong khoảng 30 phút, dưới tán rừng hoang sơ sẽ lên tới đỉnh Bèng Bọ! Từ đây, chúng ta có thể phóng tầm mắt thưởng ngoạn cảnh sắc hùng vỹ của thiên nhiên nơi địa đầu tổ quốc với không khí trong lành, mát lạnh, núi non chập trùng, hùng vỹ, với mây trắng vờn quanh với ruộng bậc thang đẹp thơ mộng, uốn lượn quanh các triền núi, là di sản quốc gia năm 2012, là kiệt tác được tạo nên bởi bao thế hệ các dân tộc thiểu số nơi đây như dân tộc La Chí, Dao, H mông, Nùng…, với tuổi đời khoảng 300 năm! Tô điểm thêm cho bức tranh ấy là những dòng suối quanh co uốn lượn dưới chân núi, chảy qua những làng bản tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình!
( Chụp ảnh trên đỉnh Bèng Bọ)
Không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, nơi đây cũng mang đến giá trị lịch sử rất lớn!
Tại đỉnh Bèng Bọ vẫn còn công sự, hào sâu và móng của lô cốt còn tồn tại tới ngày nay được Pháp xây dựng từ năm 1884 trong cuộc chiến tranh Pháp – Mãn Thanh từ tháng 9/1884 tới tháng 6/1885, đồng thời để bảo vệ biên giới nước ta trong suôt thời kỳ Pháp thuộc, nhằm tránh sự xâm lấn của chính quyền Mãn Thanh. Công sự tại đỉnh Bèng Bọ là một phần trong chuỗi các công sự mà Pháp xây dựng dọc biên giới trong thời điểm đó, là chứng tích lịch sử và vẫn còn được lưu giữ một phần cho tới ngày nay.
Trong suốt 10 năm chiến tranh, xung đột biên giới Việt -Trung đặc biệt là khi Trung Quốc đánh Vị xuyên từ năm 1979, đỉnh Bèng Bọ là một trong các cao điểm quan trọng để quan sát, cũng như bảo vệ biên giới, hỗ trợ cho mặt trận huyện Vị Xuyên, quân đội Việt Nam cũng từng mang vũ khí như súng Đại liên để trấn giữ đỉnh Bèng Bọ này.
Chính những ý nghĩa lớn lao về mặt cảnh quan và lịch sử như đã nêu trên Đỉnh Bèng Bọ trở thành một điểm check in không thể bỏ qua mỗi lần du khách đến Tả Phìn Hồ nói riêng và Hoàng Su Phì nói chung.