Tả Phìn Hồ – Viên ngọc quý chưa mài dũa của Hà Giang

Tôi sinh ra và lớn lên ở Lai Châu, miền rừng biên viễn Tây Bắc. Khi tốt nghiệp trường đại học được làm việc tại Viện nghiên cứu Y học bản địa Việt Nam. Đầu năm nay, Sếp phân công một số anh em lên tiền trạm Tả Phìn Hồ, phục vụ cho khởi động dự án: “Phát triển nông thôn bền vững từ dược liệu và cây chè bản địa” tại thôn Phìn Hồ 3, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Nghe nói về vùng đất ấy cô lập, không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, không đường đi, cả vùng đất rộng lớn, hoang sơ chỉ thường xuyên có 34 hộ và 43 nhân khẩu. Có 4 đặc sản của vùng này nhưng không ai muốn thưởng thức, đó là sương mù, giá lạnh, buồn thiu và quạnh hiu…

Với một người vừa thoát khỏi rừng rú như tôi, thật kinh khủng khi phải quay về rừng rú.

Khi cách Hà Giang 46 km, chúng tôi rẽ trái (ở ngã ba Su phì, thực ra chỗ đó là ngã tư) 28 km nữa tới xã Nậm Ty, rẽ phải lên núi 7km nữa tới Tả Phìn Hồ – nơi mà có độ cao 1,3 km – 2,0 km so với mặt biển. Mây bay chen núi,  núi khuất trong mây, bốn mùa sương mù, mát lạnh, những con suối trong vắt rì rầm chảy ngày đêm, không biết về nơi đâu…

Vừa khi lên đến Tả Phìn Hồ

Ngước mắt trông mây núi lô xô

Chạnh lòng thửa ruộng bậc thang cũ

Ngoảnh đầu chẳng thấy cố nhân xưa.

Gốc chè già nua, mốc thếch

Hai bên đường hàng trăm cây chè Shan tuyết cổ thụ, tán xùm xòe, thân già nua, mốc thếch, rêu phong, có lẽ đã cả trăm tuổi rồi. Shan tuyết nghĩa là Tuyết Sơn (tiếng Hán là 雪山) phiên âm latinh là Xuě Shān, dân ta đã việt hóa nó thành Shan tuyết. Vậy, chè Shan tuyết là chè mọc ở trên núi tuyết. Chè Shan tuyết chịu được giá rét, khí hậu khắc nghiệt. Cuối năm 2015, nghe nói tại đây nước đóng băng, tuyết rơi đè chết hàng mấy chục ha Thảo quả, thế nhưng hơn 200 ha chè Shan vẫn cho những búp chè mập mạp, ngây thơ trước cái giá lạnh thấu xương. Gốc chè to như cột nhà, sần sùi, cành cong queo thô ráp, lạ lùng thay, đầu cành lại cho ra được những búp chè non tơ, trắng như tuyết mới rơi. Cách người ta nhận diện chè Shan tuyết là nhìn nghiêng búp chè Shan có lớp lông nhung trắng như tuyết. Chè Shan tuyết có vị chát dịu, ngọt hậu, pha chè tới nước thứ tư, năm vẫn còn dư vị ngọt. Cây chè Shan chống phóng xạ mạnh, chống ô xy hóa, bôi đẹp sạch da, làm trí óc minh mẫn … Chè Tả Phìn Hồ được mệnh danh là chè dành cho vua chúa hoặc những doanh nhân giàu có, thành đạt. Tuy chưa làm tiêu chuẩn hữu cơ toàn cầu (Global -GAP) nhưng tự thân chè vùng này sạch rồi, vì:

  1. Không chăm bón gì.
  2. Không đốn, chặt.
  3. Không sâu bệnh.
  4. Không thuốc trừ sâu.
  5. Không thuốc kích trưởng.
  6. Không nhiều lứa.

Búp chè Shan tuyết có lớp lông nhung ở dưới phiến lá

Có 218 ha chè như vậy, dân Tả Phìn Hồ nói không biết cây chè có tự bao giờ, họ mới chỉ di cư tới Tả Phìn Hồ 12 năm nay thôi. Sự đa dạng sinh học nguyên sinh của vùng này là đáng trân trọng, xen dưới tán là rừng Thảo Quả dường như vô tận tới thâm sơn cùng cốc. Thảo Quả từng chùm, chín mọng, đỏ tươi; còn gọi quả Đò Ho vì chữa ho như gọi đò. Có tới 9 thác nước cao vòi vọi, ồn ào, dội sâu thẳm xuống phiến đá tung bọt nước vô tư. Đứng nơi đây nhìn những ruộng bậc thang danh thắng quốc gia kỳ vĩ bên dưới Nậm ty, Thông Nguyên thật mãn mục vân sơn.

Tả Phìn Hồ có nhiều cây thuốc quý và đặc hữu, ít nơi có được theo môi sinh cao và lạnh như vậy: Sâm Ngọc linh, Lan kim tuyến, Sâm trúc diệp, Sâm Vũ Hoàng, Tam thất hoang, Thạch tùng răng, nấm Linh chi đen, Linh chi đỏ… Riêng Tam thất hoang giá trị hơn 3 lần Tam thất thường, Thạch Tùng răng là vị thuốc không thể thiếu trong sản phẩm Lohha trí não để chữa teo não hay quên, lẫn lú tuổi già …

Thác nước Tả Phìn Hồ

Dừng chân nơi con thác Pố Tả (thác ba tầng), chúng tôi đã đem theo xôi, gà và rượu, rau dại có sẵn, chỉ việc nhóm lửa chống lạnh. Đũa bằng vầu, ly cũng bằng cây vầu và lá chuối rừng làm mâm, chúng tôi ăn to, uống lớn vui vẻ, khoái hoạt.

Lần này trở lại rừng rú, thấy hòa nhập dễ dàng vào sự hoang sơ nguyên thủy, thấy thân thiện, tự nhiên thuận như lẽ của thiên nhiên.

Gỗ Ngọc Am

Sau bữa trưa, điểm đến tiếp theo là Chợ Hán và Rừng Ngọc Am, dân bản địa họ giải thích rằng cách đây hơn 300 năm, chợ Hán là do người Hán lập ra để trao đổi các phẩm vật tiêu dùng bên Trung Quốc với gỗ Ngọc Am Tả Phìn Hồ. Ngày nay đến Tả Phìn Hồ còn thấy Miếu Thần Ngọc Am và Miếu thờ cụ Bà Ngô Thị Mao là những truyền nhân về gỗ Ngọc Am. Gỗ Ngọc Am có mùi rất thơm, đặc biệt vùi dưới đất ẩm càng lâu thì càng thơm. Ngọc Am có tác dụng trừ tà, chữa bệnh gà chết toi, lợn chết dịch, trâu bò lở mồm long móng, người đau bụng, cảm mạo, ghẻ lở … đặc biệt là để làm quan tài cho vua chúa. Nghe nói Ngọc Am đem lại may mắn thịnh vượng nên để khắc tượng gỗ, làm chậu tắm gội, hay làm gối đầu… Và thú vị hơn nữa, Ngọc Am có thể xua đuổi côn trùng. Đặt một miếng Ngọc Am trong nhà sẽ khiến ruồi muỗi tránh xa. Hiện nay, Tả Phìn Hồ chỉ còn khoảng 87 cây Ngọc Am, cao chừng 6-8m, Ngọc Am cổ thụ đã bị người Hán khai thác hết từ mấy trăm năm trước rồi. Thi thoảng theo dòng nước, ven đường chúng tôi cũng còn nhặt được vài khúc, dùng dao đẽo, cạo ngửi thấy mùi thơm đặc trưng không thể quên.

Miếu Thần Ngọc Am

Chuyến đi như vậy hiện hữu nhiều nguy hiểm, những con  rắn hổ mang đất, Dân Mán bản địa gọi là rắn Mốc (Naja kaouthia  thuộc họ Elapidae) nó to bằng ống điếu cày, dài tới 3,0 m, nặng khoảng 3-4 kg. Đớp vào chân thì thôi, khỏi chữa chạy, tốt nhất là sơ cứu đúng, còn đưa tới bệnh viện mất 3-4h thì đã quá muộn. Rắn xanh cũng nhiều, chúng ngủ trên cây và sẵn sàng tự vệ bằng cách cắn phóng nọc, thứ dung dịch chết người. Tôi đã mấy lần giật mình vì chúng, thầm cảm ơn người dẫn đường đã cảnh báo và dùng gậy khua đập trước khi đi tới. Theo hướng dẫn dặn dò trước của Bác sỹ Hoàng Sầm, nếu bị rắn độc cắn dùng ngay cây Ngải tiên và cây Viễn chí có rất sẵn trong rừng nhai nuốt nước và đắp bã. Con Vắt thường, Vắt xanh trên cây nhiều vô cùng kể ở khắp nơi, chúng được Viện Y học bản địa Việt Nam dùng trong sản phẩm An cung Việt Nam. Tuy vậy khi đối mặt với bọn này không dễ chịu chút nào, ngồi nghỉ, đi chậm, đứng lại là chúng bò lên chân rồi. Hút no máu người chúng nhả răng, rơi lăn trở lại rừng. Dùng thuốc DEP, thuốc lào ngâm rượu, xà phòng bôi cũng chỉ là cách chống vắt tương đối. Muốn phòng ngừa vắt cắn, rắn cắn thì tốt nhất tránh xa Tả Phìn hồ, Hà Giang.

Rắn xanh ẩn nấp trên cây

Tôi đã thay đổi cách nhìn thiên nhiên, con người, cách sống, ý chí, khát vọng và sự quyết liệt từ vùng đất khắc nghiệt này. Nhớ, có lần Bác sỹ Hoàng Sầm nói rằng: “Cây Nghiến sống được trên vách đá nên nó cứng, tầm gửi cây Nghiến sống được trên gỗ cứng là thuốc quý, con người muốn sống được ở vùng đất này cũng vậy”.

Sẽ là hối tiếc nếu cuộc đời không đi qua những trải nghiệm này.

Tả Phìn Hồ được sự quan tâm của Đảng, nhà nước giờ đây đã có điện 3 pha, cột sóng Viettel, có WiFi, có nhà máy bột chè xanh Matcha, quán Thắng Cố dê, có nơi ăn chốn ở, nhà nghỉ mát, du lịch homestay, phòng khám, vườn ươm dược liệu, có đèn đường ban đêm, có tiếng cười rộn của người dân đi về… hy vọng vài năm nữa Tả Phìn Hồ sẽ là viên Ngọc quý đã qua chế tác của Hà Giang.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *