Nguyễn Văn Ánh quê Thái Bình, năm 1963 lên Hà Giang công tác, sau 36 năm làm trong nghành cầu đường, đến năm 1999 ông về hưu, được sự ủng hộ của bạn bè ông mua lại nhà máy chè Yên Bình thuộc xã Nậm Ty.

Với sự mày mò và ham học hỏi, ông đi nhiều nơi để tìm hiểu về quy trình, công đoạn sản xuất chè, dưới sự lãnh đạo của ông nhà máy đạt được những thành tích xuất sắc đặc biệt là nhận được huy chương vàng về chất lượng. Sau một thời gian hoạt động do nguồn chè phụ thuộc vào dân nên số lượng và chất lượng không được đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nên làm ăn bị thua lỗ, để khắc phục tình trạng của nhà máy ông nghĩ ra một hướng đi mới, nên có một vùng chè của riêng mình thì sản phẩm làm ra mới đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Sau thời gian tìm kiếm và khảo sát, đến năm 2001 ông tìm được vùng đất thích hợp để triển khai dự án “Trồng chè xuất khẩu”, ông phải lặn lội nhiều lần lên tỉnh để nộp báo cáo, sau một thời gian chờ đợi ban lãnh đạo tỉnh uỷ Hà Giang nhất trí, cho người xuống khảo sát thăm dò và cho thuê 440ha đất trên vùng Tả Phìn Hồ trong vòng 50 năm. Nhưng khó khăn là cả vùng đất rộng lớn đều là rừng núi, vắt nhiều vô kể, nhiều loại rắn độc, không có đường, điện và đặc biệt là không có dân sinh sống, ông phải huy động, hợp đồng để đưa được 33 hộ dân lên Tả Phìn Hồ để trồng chè, cho mượn đất để làm nhà ở, sau trở thành công nhân sản xuất.

Do nguồn vốn hạn hẹp, thiếu nhân lực nên mọi thứ trở nên khó khăn, đến 2006 nguồn vốn cạn kiệt, ông phải chạy vạy khắp nơi ra sức huy động nguồn vốn của nhiều nhà đầu tư, tìm sự giúp đỡ của bạn bè, nhưng sau khi khảo sát tuy vùng đất có nhiều khả thi, có tiềm năng phát triển nhưng hệ thống đường, điện chưa có nên không cho vay vốn. Có lúc muốn từ bỏ nhưng nghĩ đến cuộc sống của bà con trong vùng còn khó khăn, lời hứa với dân chưa thực hiện được và dù có khó khăn mệt nhọc ông luôn có một người vợ dũng cảm, cảm thông chia sẻ, là hậu phương vững chắc, đấy là động lực khiến ông tiếp tục tìm kiếm. Trong thời điểm khó khăn ấy nhiều người khuyên ông nên từ bỏ, ông trả lời họ rằng :“Tiền bạc vốn liếng bỏ vào đây hết sao đi được”, nhưng thực chất trong lòng không nghĩ vậy. Đã có lần ông tâm sự với một giọng nói đầy trăn trở: “Thú thật tiền bạc sao chả quan trọng, nhưng quan trọng hơn là lời hứa, bỏ nơi này đi cũng không sao bởi mỗi tháng cả hai vợ chồng già cũng được mỗi người 7 triệu tiền lương hưu chi tiêu dư dả, nhưng nghĩ đến 14 năm vất vả cõng gạo lên Tả Phìn Hồ trên con đường mòn, những chỗ đường khó đi phải dùng tay bò lên, rồi còn lời hứa với dân chưa hoàn thành, một gánh nặng tôi trăn trở, dằn vặt suốt bao nhiêu năm là 33 hộ dân theo tôi lên đây giờ bỏ họ ở nơi rừng núi, không có đường, không có điện này sao được, tôi không đành lòng”, đấy là những lời nói trắc ẩn và là gánh nặng suốt bao nhiêu năm tháng vì thế ông chưa bao giờ ngừng tìm kiếm một hướng đi cho dự án, cho 33 hộ dân.

Ông Ánh gùi gạo lên núi trên con đường mòn

Trong lần gặp mặt bạn cũ ông Triệu Đức Thanh, ông đã tâm sự về hướng đi của dự án và những khó khăn vướng mắc đang gặp phải, bạn ông nhìn thấy những khả thi của dự án, thấu hiểu được nỗi buồn, dằn vặt trong lòng ông và đã ủng hộ dự án. Đến năm 2015 con đường trên Tả Phìn Hồ đi vào hoạt động, hệ thống điện được kéo vào đến vùng dự án, nhưng do không có vốn để tiếp tục dự án bị tạm dừng hệ thống điện chưa đi vào sử dụng. Cuối tháng 7 năm 2015, Bác sĩ Hoàng Sầm cùng Ông Thanh lên tham quan và khảo sát vùng đất Tả Phìn Hồ, tháng 11 năm 2015 ông Ánh được mời xuống Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam tại Thái Nguyên để bàn bạc về vùng dự án, trong lòng ông nở một niềm vui, một hi vọng từ đây Tả Phìn Hồ sẽ thay đổi theo một chiều hướng mới dưới sự dẫn dắt của Bác sĩ Hoàng Sầm. Đầu năm 2016 ông bàn giao đất cho của mình Công ty để tiến hành dự án trồng dược liệu, trồng và chế biến chè xuất khẩu. Đến nay khu dự án đã đi vào hoạt động có đường đi lại thuận tiện, điện 3 pha, có wifi, phòng khám, nhà máy chế biến chè, nhà nghỉ dưỡng… đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng, lời hứa với dân dần được thực hiện, nỗi trăn trở dằn vặt của ông đã được vơi đi. Sự hi sinh thầm lặng, những ngày tháng bôn ba để có được Tả Phìn Hồ như ngày hôm nay là nhờ có công lao của ông, người tiên phong, đặt nền móng đầu tiên nhưng ông không nhận công lao về mình mà coi đó là trách nhiệm.

Niềm vui tuổi già được vui chơi cùng con cháu

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam, ông tin rằng Tả Phìn Hồ sẽ ngày một phát triển, đời sống được cải thiện, nhận thức của bà con trong vùng được nâng lên, đoàn kết giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ, là những niềm vui an ủi tuổi già của ông.

Sa Thị Điển